Trang chủ Cộng đồng Chuyện buồn ở Xã vùng sâu

Cộng đồng

Tin nổi bật

Chuyện buồn ở Xã vùng sâu

07/04/2022

Em thấy gì sau những chuyến thiện nguyện đã qua?

Là chẳng thấy những thứ loanh quanh mà người ta hay gọi là cái tiếng

Chỉ thấy tình người khi trao nhau từng miếng

Là miếng bánh, cái áo len hay đôi dép đi rừng

Em thấy gì ngoài những tiếng reo mừng?

Là hình ảnh thằng nhỏ lên 5 đèo theo đứa em còn khát sữa

Trên vùng đó chắc người ta phải chạy ăn từng bữa?

Ừ. Cũng đúng thôi. Tụi nhỏ vùng cao nó còn khổ quá chừng!

Trời mùa đông mặt đứa nào, đứa nấy nó đỏ phừng phừng

Chẳng phải do cái nắng hanh hao mà vì mùa đông giá rét

Ấy thế mà đôi chân có mấy ai được đeo đôi dép?

Đến cả lũ em thơ, chiếc áo còn rách mướp thế mà!

Trên Thành phố, tay ga ta cứ chạy phà phà

Thử lên vùng cao đi rồi ta sẽ phải rơi nước mắt

Chẳng phải vì những điều mà ta vẫn luôn thắc mắc

Chỉ giản đơn thôi, khi nhìn bữa cơm chẳng có nấy một miếng dưa cà!

 

Đấy là tất cả những cảm xúc của anh, em chúng tôi mỗi khi có cơ hội được tham gia một chuyến thiện nguyện nào đó trên vùng cao. Là cảm giác thấy tim mình như thắt lại khi nhìn thấy cuộc sống thiếu thốn trăm bề của những đứa trẻ, là cảm giác xót xa vô cùng khi tình cờ nghe được câu chuyện nào đó về hoàn cảnh của một vài đứa nhỏ chốn đây.

….

Kết thúc ngày thứ 7 với nhiều cảm xúc hỗn độn. Chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi khi đồng hồ cũng đã điểm gần 12 giờ đêm. Sáng hôm sau, cả đoàn hẹn nhau 5 giờ15 phút sáng bắt đầu xuất phát để đến Thị trấn Lộc Bình tham dự chương trình.

 

Trời sáng sớm vùng sơn cước này lạnh thật! Sương mù dày đặc phủ kín cả không gian. Xe chạy bon bon trong tiết trời mịt mù sương trắng. Ai cũng có vẻ đuôi đuối nhưng cũng ráng ghẹo anh tài xế một câu: Anh tài xế chiến đấu tốt nhé! Chúng em lại chuẩn bị nhắm mắt tiếp tục thăng đường! Cả xe cười vang một lúc, rồi sau đó im ắng dần khi mọi người chìm vào giấc ngủ…

 

7h30…

Chương trình bắt đầu với hàng loạt những hoạt động nối tiếp nhau. Kiến Vương đợt này trao tặng 200 bộ quần áo, 200 áo ấm cùng 200 đôi dép cho các em nhỏ từ Tiểu học đến Trung học có hoàn cảnh khó khăn.

 

Những phần quà này được chia nhỏ để phân bổ đến 3 Xã nghèo nhất tỉnh Lạng Sơn là xã Nhượng Bạn, xã Yên Khoái, xã Xuân Mãn. Kịch bản là như vậy, nhưng vì chương trình ngày hôm đó có rất nhiều sự kiện nên Ban tổ chức quyết định chỉ trực tiếp lên xã Nhượng Bạn để trao quà. Còn số quà còn lại sẽ gửi cho các Anh, Chị đoàn viên hai xã Yên Khoái, Xuân Mãn trao đến cho các em sau.

 

Từ nơi tổ chức chương trình đến xã Nhượng Bạn khoảng chừng 30 cây số. Đây là một trong 3 Xã kinh tế còn khó khăn nhất Tỉnh. 100% là dân tộc Sán Chỉ, họ gắn cuộc sống của mình với rừng, bám rừng từ những ngày gian khổ nhất.

Đường vào xã Nhượng Bạn

 

Để vào được điểm trường- nơi tổ chức Lễ trao tặng, đoàn phải đi bộ, leo lên con dốc thật cao

 

Hôm ấy tôi có dịp được trò chuyện với chú Dầu - Nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Nà Pán. Chú vẫn còn nhớ như in khoảng 15 năm về trước, khi Nhượng Bạn này không điện, không đường, dân không biết làm nghề gì để sống... Mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa nương thì "vụ nào cỏ cũng cao hơn lúa". Đói nghèo cứ đeo đẳng theo những đồi thông trồng chỉ để lấy củi. Mỗi ngày người dân gánh củi đi bộ hàng km ra tận chợ Huyện để bán mà tiền thu được chỉ đủ mua được bơ muối, cân gạo. Chú nói, từ khi người dân trồng cây thông mã vĩ để khai thác nhựa và chế biến gỗ thì cuộc sống người dân cũng dần ổn định hơn. Nhưng những đứa trẻ ở đây còn khổ lắm. Vì ngoài thiếu cái ăn, chúng nó còn phải chịu cảnh mất cha vì cha phải đi tù do buôn hàng lậu qua Biên giới kìa.

 

Vừa nói dứt lời, Chú quay sang chỉ cho Tôi xem một bé gái đang lau mặt cho đứa em chừng 2 tuổi rồi kể: “Nói chi xa, con bé Bẻng đấy chi. Nhà có hai chị em gái thôi. Sống cùng với mẹ đấy! Bố nó bị bắt rồi. Bị bắt lâu rồi. Bố nó thấy cái bụng của hai chị em nó đói quá, bố nó nghe người ta dụ, làm liều, sang Biên giới lấy hàng về bán trốn thuế rồi bị bắt đi tù. Giờ mẹ nó đi làm nương. Nó phải địu em nó đi học cùng”.

 

Hai chị em nhà Phì Bẻng

 

Tiến lại gần để trò chuyện cùng em, ban đầu, cô bé học lớp 6 này còn ngại ngùng không dám nói chuyện với Tôi. Chỉ sau khi chú Dầu lên tiếng, em mới bắt đầu mở lời.

Trả lời Tôi bằng tiếng Kinh trôi chảy, Phì Bẻng nói rằng, Phì Lú ngủ trên vai em từ khi Phì Lú chưa đầy 1 tuổi kìa. Mẹ em phải lên nương, phải làm để mua gạo cho tụi em ăn. Khi nào nhà hết gạo thì mẹ con em ăn mèn mén (món ăn làm từ ngô của người dân tộc).

Thế khi Phì Lú chưa được 1 tuổi mà em đã phải địu đi học thì em học như thế nào? Chăm em ra sao?

Phì Lú ngoan lắm chị. Sáng mẹ em nấu cơm, chắt nước cơm vào cái chai rồi cho em Phì Lú uống. Lên lớp em học, còn Phì Lú cứ ngủ thôi. Khi nào Phì Lú khóc em lại cho Phì Lú uống nước gạo. Khi nào khóc quá thì cô giáo dỗ giúp Em.

Thế Phì Lú không có sữa uống hả em? Khi nào mẹ em đi chợ Huyện bán củi, bán ngô thì Phì Lú mới có sữa uống thôi.

Còn em? Em thì sao? Thấy học có khó không? Vừa phải học, vừa phải chăm em thế này có ảnh hưởng đến việc học của em không? Không sao chị. Em quen rồi. Em phải học cái chữ chứ! Học chữ để không bị dụ như bố em. Mẹ em bảo vậy.

Tim Tôi thắt lại khi nghe những câu trả lời hồn nhiên của Phì Bẻng. Còn Phì Lú cứ nhìn Tôi chằm chằm. Chắc vì lạ.

 

Ở lứa tuổi còn quá nhỏ, Phì Lú phải chịu quá nhiều thiệt thòi

 

Còn đa số những đứa trẻ nơi đây dù lớp 6 nhưng đứa nào đứa nấy nhỏ thó vì thiếu dinh dưỡng

11h30 phút…

Chương trình trao tặng kết thúc. Chúng tôi lên xe để ra về. Ngồi trên xe, đi trên con đường quanh co, khúc khuỷu, xe chạy sốc lên, sốc xuống liên hồi vì mặt đường quá ư mấp mô, lồi lõm. Tôi suy nghĩ, chắc chỉ khi nào đường xá hoàn thiện hơn thì cuộc sống người dân nơi đây mới có thể phát triển được. Những đứa trẻ như em Phì Lú mới thường xuyên có sữa để uống, còn Phì Bẻng sẽ không phải oằn mình cõng em trên vai đi tìm con chữ nữa. Nhưng…liệu suy nghĩ ấy bao giờ mới thành hiện thực?!

 

Kiến Truyền Thông ( thực hiện )

 

 


Các tin khác



Hành trình ươm mầm trên đá

Ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này vẫn còn những phận người trăm bề khốn khó mà cho dù đã được đến tận nơi thì ta cũng chỉ cảm nhận được một phần cuộc sống vất vả của họ. Người ta thường dành cho mảnh đất Hà Giang những danh từ mĩ miều như "đẹp nao lòng mùa hoa Tam Giác Mạch", "những cung đường phượt lý tưởng", "phong cảnh đẹp như thiên đường"...nhưng có lẽ thiên đường lý tưởng và đẹp nao lòng đó không dành cho em - những mầm non nhọc nhằn vươn mình trên đá.

300 phần quà trao tay trẻ em nghèo Hà Tĩnh

Với sự trợ giúp của tỉnh đoàn Hà Tĩnh, ngày 26/8 vừa qua Kiến Vương đã đến và trao tận tay 300 bộ quần áo, 300 dép nhựa và 3000 quyển vở cùng bánh kẹo cho các em học sinh nghèo vượt khó ở 2 huyện Thạch Hà và Can Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Để những phần quà kịp thời đến tay các em trong năm học mới là nhờ vào sự phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm những em HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên học tập và rèn luyện tốt. Mục đích trên hết vẫn là đảm bảo sự giúp đỡ được đến đúng nơi, đúng người và thật sự có ý nghĩa đối với người được nhận.

Chặng cuối của cuộc hành trình mang hơi ấm cho trẻ em vùng cao Yên Bái

Chúng ta không thể nào đủ sức lực thay đổi hoàn cảnh, khắc phục giúp các thầy trò những khó khăn, chỉ mong góp sức cùng các thầy cô "giữ chân" các em ở lại với trường lớp để học hành tử tế, để chính các em sẽ là người vẽ nên tương lai tươi sáng cho mình!