Trang chủ Cộng đồng Chặng cuối của cuộc hành trình mang hơi ấm cho trẻ em vùng cao Yên Bái

Cộng đồng

Tin nổi bật

Chặng cuối của cuộc hành trình mang hơi ấm cho trẻ em vùng cao Yên Bái

30/05/2022

Với độ cao trên dưới 1000m so với mực nước biển, muốn đến được Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo lừng lẫy Tây Bắc. Từ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, con đường dẫn lên xã Lao Chải uốn lượn quanh co ôm lấy những eo đèo heo hút gió, càng lên cao càng cảm nhận được cái rét buốt da của mùa đông vùng cao. Theo chân cô giáo Dương Thị Liễu - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDT BT) THCS Lao Chải, đoàn chúng tôi đã đến được điểm trường thứ hai trên chuyến hành trình mang hơi ấm cho trẻ em vùng cao Yên Bái.

 

 

Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự lễ phép của những em học sinh, thấy người lạ đến các em liên tục gật đầu chào hỏi, nhưng chỉ cần vừa thấy ống kính máy ảnh là vội vàng quay đi. Theo lời cô giáo kể lại ngay từ mấy ngày trước khi quà được vừa được chuyển lên là các em đã rất hồ hởi và nôn nao đến ngày đoàn lên thăm. Trong lúc đoàn trò chuyện với các thầy cô để tìm hiểu thêm về điều kiện giảng dạy và học tập của các thầy trò thì các em đã tập trung giữa sân trường, một số bạn nam bận bịu phụ giúp thầy cô khuân vác bánh kẹo, quần áo, không khí nhộn nhịp hẳn lên, tiếng trẻ con nô đùa, í ới gọi nhau âm vang khắp núi rừng.

Nhìn toàn cảnh bên ngoài ngôi trường có vẻ khang trang nhưng cơ sở vật chất, phòng học và điều kiện sinh hoạt của các thầy trò nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì nhiệt độ ngoài trời đang xuống thấp trong khi các em lại mặc không đủ ấm nên đoàn cũng nhanh chóng tiến hành trao quà để các em trở về nhà bán trú, một số thì đến "ca" lên lớp. Nhìn bên ngoài ngôi trường có vẻ khang trang nhưng thực trạng phòng học của các em vẫn thiếu, học sinh phải chia ca ra học, các giáo viên ở đây phải tự túc gom góp tiền cá nhân để xây dựng thêm mà tự phục vụ. Như khoảng sân rộng vừa được đổ bê tông kiên cố và sạch sẽ cũng là công trình của các thầy cô và nhờ phụ huynh phụ giúp một tay . Cô Liễu nói vui: "Các thầy cô ở đây vừa là giáo viên vừa là thợ xây luôn đấy các bác ạ!"

 

Chị Phụng đại diện một số người bạn trao tặng một cây nước nóng lạnh cho các thầy cô.

Băng qua con đường dốc, hai bên hàng đào rừng đang vào mùa nở rộ, chúng tôi theo chân các em học sinh về nhà bán trú cách đó vài trăm mét. Nói là mô hình nhà bán trú nhưng trên thực tế các em gần như ở nội trú hoàn toàn tại trường. Toàn trường hiện có 8 phòng nội trú, mỗi phòng rộng chừng 50m vuông, không cửa sổ, tối bưng, duy nhất ở chỗ cánh cửa ra vào có ánh sáng. La liệt quần áo phơi, vắt trên dây thép. 25 chiếc giường tầng kê sát nhau. Đây vừa là chỗ ngủ, chỗ chơi, vừa là chỗ học bài của hơn 50 đứa trẻ. Muốn di chuyển, người này phải ngồi lên giường nhường lối cho người kia đi. Nhà ở của nữ sinh cũng chẳng khá hơn. Được ưu tiên ở khu nhà xây 2 tầng nhưng công trình cũng đang xuống cấp. Tường, trần nhà xây bị bong tróc từng mảng. Ngổn ngang là giường, là thùng nhôm đựng đồ, váy áo vắt kín trên những thanh sắt ban công sau nhà. Cũng như bao ngôi trường ở vùng rẻo cao này, trở ngại lớn nhất của các em là vấn đề vệ sinh. Như đã nói số lượng học sinh hiện tại đã vượt quá quy mô xây dựng và dự kiến còn tiếp tục tăng lên, nhưng cả trường chỉ có 1 nhà vệ sinh dành cho nam và 1 dành cho nữ.

Cô Hiền ghé thăm một căn phòng nội trú của các em học sinh nam.

Cũng theo lời cô Liễu quy mô trước kia đầu tư xây dựng trường chỉ cho 200 em. Nay, số học sinh lên tới 584 em. Các phòng ở cũng như các công trình phụ không đáp ứng đủ nhu cầu.  Để có chỗ ở cho các em, nhà trường đã chuyển đổi nhà ăn thành phòng ở và tận dụng khoảng sân để làm chỗ ăn, đủ để che nắng, che mưa.

Khoảng sân trước kia là nơi vui chơi của các em nay đã được tận dụng để làm nhà ăn.

Hiện tại thầy trò ở trường PTDTBT THCS Lao Chảo đang từng bước khắc phục khó khăn, bữa ăn hằng ngày cũng được nhà trường chú trọng. Các thầy cô tổ chức cho các em tăng gia như trồng rau, nuôi lợn, vừa để thêm vào bữa ăn hằng ngày, vừa để rèn kỹ năng sống cho các em. Được biết, riêng nguồn rau thầy trò tự trồng được đã cung cấp 70% lượng rau xanh của bếp ăn, chăn nuôi cải thiện bữa ăn cho học sinh hay những dịp lễ, tết. Dịp này lên thăm trường, bên cạnh chăn màn, bánh kẹo, áo ấm và dép nhựa cho 584 em học sinh thì Kiến Vương còn góp thêm một số nhu yếu phẩm cho bếp ăn.

Cô Liễu dẫn đoàn tham quan vườn rau xanh mướt cho chính tay các thầy trò chăm bón mỗi ngày.

Chúng ta không thể nào đủ sức lực thay đổi hoàn cảnh, khắc phục giúp các thầy trò những khó khăn, chỉ mong góp sức cùng các thầy cô "giữ chân" các em ở lại với trường lớp để học hành tử tế, để chính các em sẽ là người vẽ nên tương lai tươi sáng cho mình!

Rời xã Lao Chải, trên đường trở về ngang qua con đường rẽ vào bản Tà Ghênh, chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh những thầy cô mỗi ngày đến lớp với đôi chân bám đầy bùn đất. Rồi lại dấy lên một niềm trăn trở đầy mâu thuẫn: "Mỗi khi đến thăm một địa phương nào đó thật sự nghèo khổ và khó khăn mình vừa thấy thương nhưng lại vừa thấy vui, thương thì ai cũng hiểu rồi nhưng vui vì mình đã tìm đến đúng nơi, đúng người, xuất hiện lúc họ cần mình nhất. Nhưng nói như vậy thì nhiều khi người khác lại nghĩ mình mong họ nghèo khổ" - Cũng vì suy nghĩ đó mà Chú Quí, Cô Hiền luôn đến tận nơi để biết được hoàn cảnh thực tế, để mọi sự giúp đỡ đều mang lại ý nghĩa thiết thực nhất.

Kiến Truyền Thông ( thực hiện )

 


Các tin khác



Hành trình ươm mầm trên đá

Ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này vẫn còn những phận người trăm bề khốn khó mà cho dù đã được đến tận nơi thì ta cũng chỉ cảm nhận được một phần cuộc sống vất vả của họ. Người ta thường dành cho mảnh đất Hà Giang những danh từ mĩ miều như "đẹp nao lòng mùa hoa Tam Giác Mạch", "những cung đường phượt lý tưởng", "phong cảnh đẹp như thiên đường"...nhưng có lẽ thiên đường lý tưởng và đẹp nao lòng đó không dành cho em - những mầm non nhọc nhằn vươn mình trên đá.

Chuyện buồn ở Xã vùng sâu

Em thấy gì sau những chuyến thiện nguyện đã qua? Là chẳng thấy những thứ loanh quanh mà người ta hay gọi là cái tiếng. Chỉ thấy tình người khi trao nhau từng miếng. Là miếng bánh, cái áo len hay đôi dép đi rừng. Em thấy gì ngoài những tiếng reo mừng? Là hình ảnh thằng nhỏ lên 5 đèo theo đứa em còn khát sữa. Trên vùng đó chắc người ta phải chạy ăn từng bữa? Ừ. Cũng đúng thôi. Tụi nhỏ vùng cao nó còn khổ quá chừng!

300 phần quà trao tay trẻ em nghèo Hà Tĩnh

Với sự trợ giúp của tỉnh đoàn Hà Tĩnh, ngày 26/8 vừa qua Kiến Vương đã đến và trao tận tay 300 bộ quần áo, 300 dép nhựa và 3000 quyển vở cùng bánh kẹo cho các em học sinh nghèo vượt khó ở 2 huyện Thạch Hà và Can Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Để những phần quà kịp thời đến tay các em trong năm học mới là nhờ vào sự phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm những em HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên học tập và rèn luyện tốt. Mục đích trên hết vẫn là đảm bảo sự giúp đỡ được đến đúng nơi, đúng người và thật sự có ý nghĩa đối với người được nhận.