Trang chủ Cộng đồng Tiếp sức trẻ em Mai Châu đến trường

Cộng đồng

Tin nổi bật

Tiếp sức trẻ em Mai Châu đến trường

07/04/2022

Ngày 22/04 vừa qua, sau 5 tháng trở về từ chuyến thăm các em nhỏ trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, lãnh đạo công ty Kiến Vương lại có dịp đến thăm một ngôi trường vùng cao ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông đã đưa tin về câu chuyện các Thầy Cô trường THCS Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình hóa thành "Ngư phủ" bắt cá để cải thiện bữa ăn cho học trò. Suốt 6 năm qua, mỗi khi học trò ngủ ngon giấc cũng là lúc các Thầy gấp lại trang giáo án, xuống lòng sông Đà đánh vật với sóng nước, nhặt nhạnh tôm cá. Ngôi trường THCS Tân Dân nằm heo hút cuối con đường kéo dài 40km từ trung tâm thị trấn Mai Châu, một bên là núi cao vời vợi, có những ngày mây mù giăng lối, một bên là vực sâu thăm thẳm, với hàng trăm khúc cua gấp khúc, lên xuống. Những ngày mưa, đường vào trường càng trơn trượt, khó đi hơn.

 Ánh mắt trong veo của những đứa trẻ vùng cao

 

Hiện tại, trường có 116 em học sinh đồng bào dân tộc Tày, Mường đang theo học. Trong khi các Thầy Cô chủ yếu là người dân tộc Thái nên các thầy cô phải học thêm tiếng bản ngữ để giảng dạy cho các em. Đây còn là ngôi nhà chung của 62 em đủ điều kiện được ở nội trú nhưng cả trường chỉ có 30 chiếc giường nên 2 em phải ngủ chung 1 giường. Những căn phòng nội trú ọp ẹp được kê  4 chiếc giường đã cũ. Mùa hè thì nóng bức, ngột ngạt, mùa đông thì rét cắt da. Phòng nào không đủ giường thì có em trải chiếu ngủ dưới sàn. Mọi sinh hoạt hàng ngày các em đều phải tự mình làm, từ giặt giũ đến nấu ăn. Những quyển tập, sách đã sờn gáy được xếp trong thùng giấy hoặc những chiếc rương bằng gỗ.

 Mỗi chiếc giường nhỏ là nơi ngả lưng của 2 em học sinh trung học đang tuổi ăn tuổi lớn.

  

 Trần nhà đã hư hỏng khiến nơi che mưa, che nắng của các em cũng không còn lành lặn.

 

Thầy Hà Mạnh Quyết (Hiệu trưởng trường THCS Tân Dân) cho biết thêm, "Theo quy định về hỗ trợ học sinh vùng sâu, các em nào nhà ở cách trường học từ 7 km trở lên mới được ở nội trú và mỗi em được cấp 460,000 đồng mỗi tháng tiền ăn. Hằng tuần các em sẽ về nhà lấy gạo và chút đồ ăn khô mang theo lên trường để tự tổ chức nấu ăn theo từng nhóm". Như vậy, với mức hỗ trợ này, mỗi em sẽ có khoảng 15,000 đồng/ngày tiền ăn. Nói đến đây, giọng Thầy bỗng chùng xuống: "Có nhiều em nhà rất nghèo nhưng nhà cách trường chưa đầy 7km thì không được hỗ trợ nên mỗi ngày phải vượt rừng, lội suối cả chục cây số để đến trường". Trường cách trung tâm thị trấn quá xa, hoàn cảnh gia đình các em lại khó khăn nên không thể đi lại mua đồ ăn, thức uống. Tất cả thực phẩm đều do người dân trong vùng cung cấp. Không đành lòng thấy những bữa ăn quá đạm bạc trong khi các em lại đang tuổi ăn tuổi lớn nên các Thầy Cô đã quyết định xắn tay áo, xuống lòng hồ mỗi tối để kéo chút tôm cá cho các em bữa cơm đầy đủ hơn.

Chính câu chuyện về cuộc sống còn nhiều thiếu thốn của những đứa trẻ vùng cao và nghĩa cử cao đẹp của những người Thầy nơi đây đã thôi thúc Chú Quí và Cô Hiền thực hiện chuyến đi đến Mai Châu lần này."Tôi rất ngưỡng mộ các thầy cô vì sự hy sinh và rất xúc động khi thấy các thầy đi bắt cá giữa đêm cho các con nên đã quyết tâm lên thăm mọi người một chuyến" - Cô Hiền chia sẻ trong buổi trò chuyện với các Thầy Cô trường THCS Tân Dân.

Chiếc vó nhỏ này chính là công cụ kéo cá mỗi đêm của các "ngư phủ" trường THCS Tân Dân. Dốc từ sân trường xuống lòng hồ dựng đứng và trơn trượt sỏi đá, chỉ cần sẩy chân là lọt xuống lòng hồ như chơi.

 

Khó khăn chồng chất khó khăn, trường lớp lại nằm sát bên lòng hồ sông Đà với bao nguy hiểm luôn rình rập. Để đảm bảo an toàn cho các em, các Thầy Cô thường tổ chức những buổi tập bơi. Cô Vì Thị Hương Giang (Phó Hiệu trưởng) bộc bạch cùng chúng tôi: "Các em ở đây thích nghi rất nhanh, có khi các cô còn chưa học xong được thì các em đã bơi như nhái". Thế mới thấy sức sống mãnh liệt của những đứa trẻ lớn lên từ trong gian khó. Nhưng dù vậy thì các Thầy Cô cũng không thể lơ là các em một phút giây nào, vì trẻ nhỏ ham chơi, hiếu động lại không ý thức được mối nguy hiểm. Thầy cô ở đây không chỉ dạy chữ mà còn thay cha mẹ chăm lo, che chở cho các em, có những khi các em ốm đau, lên cơn sốt giữa đêm cũng chính các thầy cô là người lặn lội đường xá hiểm trở đưa các em đi trạm xá.

Lãnh đạo công ty Kiến Vương trò chuyện với thầy Hà Mạnh Quyết và tìm hiểu thêm về những khó khăn mà nhà trường đang đối mặt.

 

Mấy hôm liền trời oi bức nên thầy cô đã đem cất bớt chăn, nhưng ngày đoàn đến trời bỗng trở lạnh đột ngột cộng thêm mưa phùn nên một số em vốn sức khỏe không tốt đã không chịu được thời tiết khắc nghiệt. Nhìn cảnh các em sốt li bì, nằm co ro trong tấm chăn mỏng đã đành lại còn không có người thân bên cạnh chăm sóc, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng trẻ con mà, chúng còn chưa biết buồn, biết tủi hay cô đơn mà chỉ khóc vì mệt, vì đau, vì không được ra nhận quà và vui chơi cùng các bạn.

Chúng tôi không muốn gọi đây là đi từ thiện mà chỉ xem như một chuyến đến thăm thầy cô và các em, mang theo một ít quà và tìm hiểu nhiều hơn về hoàn cảnh nơi đây, để từ đó có hướng giúp đỡ thiết thực hơn. Đợt này, Kiến Vương đã mang tặng 213 phần quà gồm quần áo + áo rét cho học sinh Tiểu học và 116 phần quà là áo gió + bình nước cho học sinh THCS. Thêm vào đó là  bột gia vị và dầu ăn chia đều cho 2 trường sử dụng để nấu ăn cho học sinh. Và dĩ nhiên không thể thiếu bánh kẹo làm niềm vui cho bọn trẻ.

 

Chú Quí và Cô Hiền đến thăm và tặng quà cho các em nhỏ Trưởng Tiểu học và trường THCS Tân Dân.

"Hiện tại, với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, trường đang từng bước khắc phục khó khăn, cảm ơn tấm lòng của tất cả mọi người, các thầy cô ở đây luôn mong muốn cống hiến hết mình cho tương lai sau này của các em" Trước những chia sẻ chân thành của thầy Quyết, Chú Nguyễn Hữu Quí - Chủ tịch HĐTV cũng bày tỏ ý muốn: "Bây giờ mình cùng nhau làm, chúng tôi sẽ chia sẻ gánh nặng cùng các Thầy Cô để giúp cho các cháu, nhưng chúng ta không chỉ cho các em "cá" mà còn tạo động lực để các em tự mình "đi câu"". Sau khi đến thăm và tìm hiểu khó khăn của trường, Chú Quí đã nhờ Anh Bùi Trung Dũng (Giám đốc CNBN) cùng phối hợp với chỗ thầy Quyết xem xét lại việc sửa chữa và đóng giường mới để các em có chỗ ngả lưng chắc chắn và thoải mái hơn, tiếp sức để các em tiếp tục đến trường.

Nếu có dịp nhìn lại những chặng đường mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao mà Kiến Vương đã đi qua, từ bản xa Nậm Chà (Lai Châu), ngược về Lạng Sơn, xuôi lên tận nơi địa đầu Tổ quốc, rồi quay về Mai Châu (Hòa Bình), mọi người sẽ không khỏi chạnh lòng khi nhận ra một điều: đồng bào mình còn nhiều khó khăn lắm! Nhưng một điều đáng mừng là cho dù trong gian khó thì vẫn ấm áp tình người và còn đó những tấm lòng quý hơn vàng, nghĩa tình cao đẹp của các Thầy Cô trường THCS Tân Dân sẽ còn lan tỏa đến nhiều mái trường nơi gian khó khác và đánh thức trái tim yêu thương trong mỗi chúng ta.

 

Kiến Truyền Thông ( thực hiện )

 


Các tin khác



Chuyện buồn ở Xã vùng sâu

Em thấy gì sau những chuyến thiện nguyện đã qua? Là chẳng thấy những thứ loanh quanh mà người ta hay gọi là cái tiếng. Chỉ thấy tình người khi trao nhau từng miếng. Là miếng bánh, cái áo len hay đôi dép đi rừng. Em thấy gì ngoài những tiếng reo mừng? Là hình ảnh thằng nhỏ lên 5 đèo theo đứa em còn khát sữa. Trên vùng đó chắc người ta phải chạy ăn từng bữa? Ừ. Cũng đúng thôi. Tụi nhỏ vùng cao nó còn khổ quá chừng!

300 phần quà trao tay trẻ em nghèo Hà Tĩnh

Với sự trợ giúp của tỉnh đoàn Hà Tĩnh, ngày 26/8 vừa qua Kiến Vương đã đến và trao tận tay 300 bộ quần áo, 300 dép nhựa và 3000 quyển vở cùng bánh kẹo cho các em học sinh nghèo vượt khó ở 2 huyện Thạch Hà và Can Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Để những phần quà kịp thời đến tay các em trong năm học mới là nhờ vào sự phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm những em HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên học tập và rèn luyện tốt. Mục đích trên hết vẫn là đảm bảo sự giúp đỡ được đến đúng nơi, đúng người và thật sự có ý nghĩa đối với người được nhận.

Chặng cuối của cuộc hành trình mang hơi ấm cho trẻ em vùng cao Yên Bái

Chúng ta không thể nào đủ sức lực thay đổi hoàn cảnh, khắc phục giúp các thầy trò những khó khăn, chỉ mong góp sức cùng các thầy cô "giữ chân" các em ở lại với trường lớp để học hành tử tế, để chính các em sẽ là người vẽ nên tương lai tươi sáng cho mình!